Tăng hệ miễn dịch một cách tự nhiên nhất

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh phụ thuộc vào nhiều khía cạnh của lối sống mỗi con người, bao gồm chế độ ăn uống, giấc ngủ, thể dục thể thao… Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Cơ chế phòng vệ mạnh mẽ để chống lại nhiễm trùng và vi khuẩn phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng hằng ngày bạn cung cấp thông qua chế độ ăn uống.

Có một số loại thực phẩm mang đặc tính tăng cường miễn dịch đặc biệt, nhằm tối ưu hóa hoạt động của cơ thể trong việc xây dựng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đây là một số thực phẩm tăng cường miễn dịch mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày

1. Sữa chua

Sữa có chứa rất nhiều lợi khuẩn probiotics. Những lợi khuẩn này sẽ tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật, có lợi cho hệ tiêu hóa, giảm đầy hơi của cơ thể cũng như hạn chế các vi khuẩn có hại phát triển trong ruột.

Hãy ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày và bạn có thể yên tâm về sức đề kháng của mình, đó là chưa kể sữa chua còn bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, kali và các loại protein cho cơ thể nữa.

2. Tỏi

Là một siêu thực phẩm khác, tỏi không chỉ làm tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn chứa nhiều hoạt chất có tên allicin.

Hoạt động của allicin được cho là có khả năng chống lại các bệnh lây nhiễm, cảm cúm một cách hiệu quả. Để tăng cường khả năng miễn dịch, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ khuyến cáo mỗi người nên ăn một tép tỏi sống/ngày.

3. Nấm

Nấm chứa ít calo nhưng lại rất giàu dinh dưỡng bồi bổ cơ thể như vitamin B, kali, vitamin D, enzym selenium. Bên cạnh đó, chất beta-glucan có trong nấm có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch và cũng có khả năng chống lại bệnh ung thư, làm chậm tốc độ phát triển của các khối u. Nấm sò, nấm Shiitake của Nhật… là những nguồn cung cấp beta-glucan dồi dào nhất.

4. Trà xanh

Rất giàu chất chống ôxy-hóa polyphenol, trà xanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như phổi, dạ dày, tuyến tụy, trực tràng…

Theo một bài báo đăng tải trên Chinese Medicine gần đây, chất polyphenol trong trà xanh còn giúp chống lại vi khuẩn Helicobacter chuyên gây viêm loét dạ dày hành tá tràng. Tuy vậy, trà xanh cũng có tác dụng phụ là chứa chất caffeine và việc uống quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt của cơ thể. Chỉ cần 1-2 cốc trà xanh mỗi ngày là đủ cho bạn.

5. Rau xanh đậm

Các loại rau màu xanh đậm (súp lơ, rau dền, rau ngót, rau cải…) chứa nhiều sắt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng tránh táo bón.

Cải bó xôi giàu acid folic giúp tái tạo tế bào, đồng thời nó cũng chứa nhiều vitamin C và kali. Một bát rau cải bó xôi luộc thậm chí còn nhiều kali hơn một cốc chuối cắt lát đầy. Súp lơ xanh cũng là “dũng sĩ” chiến đấu với bệnh tật. Ngoài việc chứa nhiều vitamin C và canxi, nó còn giúp cơ thể giải độc tự nhiên, đồng thời giữ niêm mạc ruột khỏe mạnh.

6. Chanh

Chanh là một nguồn giàu vitamin C. Trong thực tế, tất cả loại trái cây họ cam, quýt như cam hoặc bưởi chứa nhiều vitamin C và chất chống ôxy hóa tuyệt vời để tăng mức độ miễn dịch của cơ thể. Vitamin C rất cần thiết trong sản xuất các tế bào bạch cầu trong cơ thể, chống lại nhiễm trùng.

7. Củ nghệ

Nghệ chứa nhiều hoạt chất curcumin có tác dụng tăng sức đề kháng, phòng bệnh thời tiết, chữa dạ dày… Do đó chúng thường được sử dụng trong rất nhiều món ăn và dược phẩm.

8. Khoai lang

Loại khoai lang có màu cam chứa beta carotene (vitamin A có ở dưới dạng beta-carotene là tiền chất và sẽ chuyển sang vitamin khi vào cơ thể), chất chống ôxy hóa và kháng virus mạnh mẽ, có khả năng chống lại ung thư. Chúng cũng chứa đầy đủ chất xơ và vitamin E giúp làn da khỏe mạnh.

9. Yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt

Hàm lượng Beta-glucan trong ngũ cốc hoặc yến mạch có chứa các đặc tính kháng khuẩn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

10. Mật ong

Mật ong đã được sử dụng vào mục đích chữa bệnh từ xa xưa, nó như là một chất tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên. Hàm lượng đường, acid và một loạt chất dinh dưỡng thực vật bên trong mật ong được cho là thành tố quan trọng để chống lại các loại vi khuẩn nguy hiểm như E.coli. Ngoài ra, người ta còn dùng mật ong để chữa lành vết thương. Khi uống mật ong, bạn có thể giảm đầy hơi và chữa các vết loét dạ dày dạng nhẹ. Bạn cũng nên dùng mật ong thay thế đường khi nướng thực phẩm, pha ngũ cốc và trà để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ em dưới một tuổi và những người có hệ miễn dịch quá yếu không nên ăn mật ong tươi.

Tất cả chúng ta đều muốn giữ cho mình khỏe mạnh và năng động, tránh xa bệnh tật, do đó hãy xây dựng một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ bằng cách tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và luyện tập thể dục thường xuyên nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.